Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Chùa Hải Tạng: ‘Bậc thầy’ kiến trúc phong thủy
TPO - Chùa ở thế phong thủy lý tưởng, tọa lạc sát chân núi phía Tây của Hòn Lao thuộc Cù Lao Chàm, lưng tựa núi, mặt tiền xoay hướng Tây – Tây Nam nhìn thẳng núi Bà Mộc như thể hòn xôi án ngữ.

Chùa Hải Tạng ở vào vị thế lý tưởng, bởi sự thông thoáng, tiền hậu, tả hữu phân minh.
Theo truyền thuyết, các cây cột được làm từ ngoài Bắc đem về làm một chùa nào đó trong Nam nhưng khi về đến Cù Lao Chàm vì trời tối nên phải neo ghe nghỉ lại. Sáng ra, ghe kéo neo đi tiếp, nhưng thật lạ lùng, biển tự dưng sóng dậy, ghe cứ xà quần, tới lui lòng vòng không đi ra khỏi Lao. Sau có người trong đoàn lên cúng xin keo mới biết dàn cột này phải để lại dựng chùa cho Cù Lao Chàm không được đem đi. Vì thế chùa dựng lên lấy tên là Hải Tạng. Hải là biển, Tạng là kinh, ý nói Chùa là nơi hội tụ kinh tạng mênh mông như biển. Một ý khác là Kinh tạng của Nhà Phật đây được hội tụ từ mọi con đường trên biển.

Lịch sử Hội An có ghi, chùa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ở vị trí cách nơi này khoảng 200m về hướng đông bắc, sau vì do bão làm hư hại nặng và để thuận tiện cho các tín đồ đến hành lễ nên vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) chùa dời về vị trí hiện nay.
Ngay dưới chân là đồng ruộng, khu dân cư và mờ xa về đất liền là Đô thị cổ Hội An. Phía Nam có khoảng trống gió lùa trải dài qua Rừng Cấm (nay là Xóm Cấm) đưa hơi nước từ Hòn Nhờn lướt qua trước mặt thổi lên khu dốc Chùa.

Lưu truyền, trước đây khu này rừng rậm có nhiều trăn, rắn độc. Vì thế, để an toàn, tường thành bao bọc xung quanh chùa được xây bằng đá, cổng tam quan phía trước gồm 3 lối vào, tam quan tạo dáng vòm, mái lợp ngói âm dương và đắp nhiều con giống.

Toàn bộ tam quan cao 5m, rộng nhất 1,5m, dài 6m. Kề ngay đấy là 4 trụ biểu, trên chóp trụ có khối hình hoa sen cánh lật… Dù thiên nhiên khắc nghiệt, lại phải đương đầu với nhiều trận cuồng phong hàng trăm năm qua nhưng đến nay, công trình chính vẫn vững vàng, bề thế.

Tuy nhà Tây đã bị sập hoàn toàn, nhà Đông còn lại phần kiến trúc chính nhưng toàn bộ di tích vẫn toát lên vẻ hào sảng uy nghiêm hiếm thấy ở các di tích khác. Chính điện lợp ngói âm dương, bờ nóc, bờ hồi đắp nổi nhiều đường nét uốn lượn mềm mại, uyển chuyển tạo cảm giác nhẹ nhàng.

Lùi vào mái hiên khoảng 2,5m là hệ thống cửa (thường khép kín), thượng song hạ bản, gồm 3 bộ, mỗi bộ 4 cánh ngăn không gian bên ngoài với không gian nội thất. Toàn bộ nếp nhà chính này có hệ vì kèo kết cấu kiểu “chồng rường giả thủ” chia làm 3 lòng.

Việc mở rộng diện tích ở đây được sử dụng biện pháp tăng thêm lòng nhà bằng cách tăng cường hệ liên kết các cây rường, cột cái, cột quân và giả thủ trong thế đỡ thẳng lên đòn tay (hoành), lòng 3 của mái trước được ngăn cách bởi hệ thống cửa tạo thành mái hiên. Với lối kiến trúc này, cộng với liên kết ngang gồm 4 vì (vài) chia làm 3 gian, tạo cho không gian nội thất của chùa thông thoáng, vừa có chiều cao, vừa có chiều sâu và mở rộng.
Lâm Anh TiềnPhong online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét